Cầu Rồng sẽ phun lửa, phun nước xuyên suốt các đêm Tết để phục vụ khách tham quan - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thành phố tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện để phục vục người dân và du khách.

Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là chương trình cầu Rồng phun lửa, phun nước liên tục vào các đêm từ ngày 9-2 (tức 30 tháng Chạp năm Quý Mão) đến ngày 13-2 (tức mùng 4 Tết Giáp Thìn). Cùng với đó, cầu sông Hàn sẽ quay vào các đêm 10, 11-2 (tức mùng 1, mùng 2 Tết Giáp Thìn).

Thành phố cũng đã triển khai việc lắp đặt mô hình check-in tại khu vực cầu Rồng, tổ chức trang trí hoa, điện chiếu sáng phục vụ Tết, tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Giáp Thìn 2024 và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật...

Được biết, cầu Rồng được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-2013).

Cầu được thiết kế mô phỏng hình dáng con rồng đang uốn lượn trên mặt sông Hàn và hướng ra biển Đông, đầu rồng ngẩng cao, thân rồng uốn lượn.

Cầu Rồng được khởi công vào ngày 19-7-2009 với tổng kinh phí đầu tư trên 1.500 tỉ đồng.

Cầu Rồng được xây dựng với quy mô vĩnh cửu, có tổng chiều dài 666m, gồm 5 nhịp chính, 3 nhịp dẫn, chiều rộng 37,5m, có 6 làn xe chạy, mỗi làn 3,75m, 2 làn đường dành cho người đi bộ.

Cầu có kết cấu nhịp thép độc đáo với hình dáng một con rồng dài 568m, nặng gần 9.000 tấn. Trong đó, phần đầu rồng dài 18,24m, nặng 194,1 tấn, phần thân rồng dài 530m, nặng 8.405,1 tấn, phần đuôi rồng dài 19,37m, nặng 183,9 tấn và phần vảy rồng 118,9 tấn...

Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, cầu Rồng trở thành một trong những biểu tượng của Đà Nẵng, là điểm đến yêu thích của người dân, du khách. Vào các ngày cuối tuần, cầu Rồng sẽ phun lửa, phun nước.

Cầu được thiết kế mô phỏng hình dáng con rồng đang uốn lượn trên mặt sông Hàn và hướng ra biển Đông - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Đông đảo người dân, du khách chờ cầu Rồng phun lửa, phun nước vào những ngày cuối tuần - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG