QĐND - Câu thành ngữ “đầu voi đuôi chuột” dùng để chỉ những phong trào, việc làm lúc đầu thì tổ chức rầm rộ theo kiểu “trống rong cờ mở”, mọi người tham gia có vẻ rất hăng hái, say sưa, nhưng rồi sau đó làm thưa thớt dần, ít người ngó ngàng tới, thậm chí bỏ giữa chừng, cuối cùng không mang lại hiệu quả gì đáng kể.

Thời gian qua, tuy chưa xuất hiện tràn lan, nhưng hiện tượng, việc làm “đầu voi đuôi chuột” cũng đã bộc lộ ở không ít đơn vị cơ sở. Với mong muốn tạo ra sân chơi vui vẻ trong hai ngày nghỉ cuối tuần, một số đơn vị đã tổ chức dạy khiêu vũ với những điệu nhảy phổ thông, phù hợp với sở thích, thị hiếu của giới trẻ như: “Cha-cha-cha”, “rum-ba”, “hip hop”… cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mình. Không ít câu khẩu hiệu nghe khá “mùi mẫn” và mỹ miều gắn với phong trào luyện tập khiêu vũ của bộ đội như: “Bạn bè cùng sánh bước trong âm nhạc”, “Giai điệu chiến sĩ”, “Chúng ta cùng khiêu vũ”, “Nào, tôi mời bạn cùng cha-cha-cha nhé”, “Vũ điệu tuổi trẻ sôi động”, “Xả stress với hip hop”… Ở một số đơn vị, dựa trên những sân chơi bổ ích trên truyền hình như “Chiếc nón kỳ diệu”, “Đường lên đỉnh Ô-lim-pi-a”, “Ô cửa bí mật”…, một số đơn vị đã sáng tạo ra một số sân chơi phù hợp, mang tên mới như: “Vòng quay trí tuệ”, “Ai nhanh nhất”, “Thử tài của bạn”… thu hút sự hưởng ứng, tham gia đông đảo của các chiến sĩ trẻ.

Song chỉ được một thời gian, phong trào “giảm dần đều”, thậm chí ở một số đơn vị ngừng hẳn. Nguyên nhân là do khâu tổ chức thiếu chặt chẽ, hoạt động theo kiểu phong trào là chính nên hệ thống “ngân hàng câu hỏi” không được chuẩn bị chu đáo ngay từ đầu, phần khác, những người tổ chức không biết thường xuyên làm mới nội dung chương trình, nên càng về sau, các sân chơi đó càng “đuối sức” và đành phải chia tay khán giả trong… im lặng.

Tiết mục nhảy hip hop của tuổi trẻ Trường Đại học Chính trị tại một buổi giao lưu văn nghệ với thanh niên địa phương.

Dẫu sao thì các hoạt động trên ít nhiều mang tính bề nổi, không duy trì được thường xuyên có thể do nhiều nguyên nhân khách quan như điều kiện thời gian, phương tiện bảo đảm có hạn, nguồn kinh phí eo hẹp… Nhưng có những phong trào, việc làm đáng lẽ phải được thực hiện thành nền nếp, thực hiện đến nơi đến chốn, nhưng vẫn bị rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Không ít đơn vị vào dịp đầu Xuân năm mới tưng bừng tổ chức phát động Tết trồng cây với phương châm đề ra là: “Mỗi quân nhân trồng và chăm sóc một cây bảo đảm phát triển xanh tốt”. Nhưng chỉ một hai tháng sau đó, cây đã trồng rồi sống chết ra sao cũng không ai ngó ngàng tới. Một số đơn vị khi phát động phong trào làm “xanh, sạch, đẹp cảnh quan doanh trại” nhưng chỉ thu hút được đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia trong mấy tuần đầu, sau đó cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa cũng không được quan tâm cắt tỉa, chăm sóc thường xuyên. Có đơn vị từng khởi động một việc làm đầy ý nghĩa là “Mỗi tháng cùng bà con dân bản khai hoang một thửa ruộng bậc thang mới”, song chỉ làm được mấy tháng đầu rồi… bỏ lửng giữa chừng.

Tại sao lại có tình trạng “đầu voi đuôi chuột”? Điều này không khó lý giải, bởi nguyên nhân hàng đầu là đội ngũ cán bộ, chỉ huy ở đơn vị không sát sao với công việc, với phong trào, không chú trọng đôn đốc, kiểm tra trong quá trình thực hiện, chỉ quan tâm “phát” trên bề nổi, mà không chú trọng “động” ở chiều sâu. Đáng nói hơn, có một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy không những “nói không đi đôi với làm”, mà lại còn “khoán trắng” công việc, phong trào cho cán bộ quần chúng và “phó mặc” hoàn toàn cho cấp dưới. Bên cạnh đó, do không làm tốt công tác chuẩn bị chặt chẽ, chu đáo ngay từ đầu, không chủ động tạo điều kiện thời gian, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật thuận lợi đáp ứng với mục đích, yêu cầu đề ra cũng là một trong những lý do làm cho công việc, phong trào rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.

Người ta có lý khi ví von một cách đầy hình ảnh: Nhìn kết quả công việc và hiệu quả phong trào đơn vị là thấy được gương mặt cán bộ ở trong đó. Rõ ràng, một việc làm, một phong trào nào đó của đơn vị rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột” thì không thể nói là gương mặt cán bộ của đơn vị ấy “sáng sủa” được và ngược lại. Vì vậy, xin gửi tới các cán bộ ở đơn vị cơ sở một thông điệp: Muốn cho công việc đã đề ra và phong trào đã phát động được tiến hành trôi chảy, phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả thiết thực, đừng bao giờ bỏ quên “trách nhiệm đồng hành” của mình ở trong mỗi công việc và phong trào đó.

Bài và ảnh: PHƯƠNG DU