Biện pháp tu từ luôn xuất hiện nhiều trong các đề thi. Vì vậy, các em Học sinh cần phải hiểu rõ và nắm vững các loại biện pháp tu từ. Đó là một nội dung kiến thức quan trọng để các em thực hiện tốt được bài thi của mình. 

TÌM HIỂU BIỆN PHÁP TU TỪ SO SÁNH, NHÂN HÓA, ẨN DỤ, HOÁN DỤ

Biện pháp tu từ là một trong những biện pháp nghệ thuật với cách sử dụng ngôn ngữ đặc biệt. Đây là biện pháp được sử dụng rất nhiều trong các tác phẩm văn học để tạo hiệu ứng nghệ thuật. Nhờ vào đó, tác giả sẽ dễ dàng truyền đạt suy nghĩ, cảm xúc. Sự vật, sự việc cũng tăng sức gợi hình và trở nên sinh động hơn, ấn tượng hơn.

BIỆN PHÁP TU TỪ SO SÁNH

Định nghĩa về biện pháp tu từ so sánh

Biện pháp so sánh được sử dụng để so sánh giữa 2 hay nhiều sự vật, sự việc, hiện tượng,..với nhau. Nhờ vào sử dụng biện pháp so sánh, câu văn sẽ tăng tính tượng hình hơn, sinh động hơn. Người đọc từ đó cũng có thể hiểu rõ hơn về những đặc điểm của sự vật được mô tả.

Phân loại biện pháp tu từ so sánh

Theo mức độ, có 2 kiểu so sánh:

– So sánh ngang bằng

So sánh các sự vật, sự việc, hiện tượng,…có sự tương đồng với nhau. Từ đó hình ảnh hóa đặc điểm của sự vật, sự việc, hiện tượng,..để giúp người đọc, người nghe dễ hình dung, liên tưởng. Khi muốn so sánh ngang bằng, các em sử dụng các từ/cụm từ: “như”, “giống như”, “là”,…

– So sánh không ngang bằng

So sánh, đối chiếu sự vật, sự việc, hiện tượng,…trong mối quan hệ hơn kém. Mục đích để làm nổi bật sự vật, sự việc, hiện tượng,…cần miêu tả. Khi muốn so sánh không ngang bằng, các em sử dụng các từ/cụm từ:  “hơn”, “hơn là”, “kém”, “kém hơn”, “ít hơn”, “nhiều hơn”…

Theo đối tượng, có 3 kiểu so sánh: 

– So sánh các đối tượng cùng loại

– So sánh khác loại 

– So sánh các cụ thể với các trừu tượng và ngược lại

Ví dụ minh họa về phép so sánh

– Mặt trời như một quả cầu lửa khổng lồ đã từ từ lặn xuống khuất sau những dãy núi.

– Trong phần thi thể dục ngày hôm nay, bạn Nam chạy nhanh hơn bạn Quang. 

– Bạn Nam làm bài tập đầy đủ hơn bạn Hải.

– Mỗi người phụ nữ đều là những đóa hoa xinh đẹp. 

– Công cha như núi Thái Sơn 

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

BIỆN PHÁP TU TỪ NHÂN HÓA

Định nghĩa về biện pháp tu từ nhân hóa

Biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng để gán những đặc điểm, tính cách, hoạt động, suy nghĩ,.. vốn chỉ dành cho con người để miêu tả cho những thứ vô tri vô giác, hay trừu tượng (đồ vật, sự vật, cây cối,….). Nhờ vào đó, đồ vật, sự vật, hiện tượng,…trở nên gần gũi hơn, có hồn hơn. Người đọc cũng sẽ cảm thấy có liên kết cảm xúc với đối tượng được nhân hóa đó. 

Phân loại biện pháp tu từ nhân hóa

Có 3 kiểu nhân hóa thường được sử dụng: 

– Dùng từ vốn gọi người để gọi vật 

– Dùng từ vốn chỉ hoạt động, tính cách, đặc điểm của người để tả vật

– Trò chuyện, xưng hộ với vật như đối với người

Ví dụ minh họa về phép nhân hóa

– Khi ông mặt trời vừa thức dậy, mẹ em đã chuẩn bị xong bữa sáng cho cả gia đình.

– Dòng sông điệu đà uốn mình qua đồng ruộng vàng ươm. 

– Trâu ơi, ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta. 

BIỆN PHÁP TU TỪ ẨN DỤ

Định nghĩa về biện pháp tu từ ẩn dụ

Ẩn dụ là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, sự việc, hiện tượng này bằng tên sự vật, sự việc, hiện tượng khác có sự tương đồng. Thay vì diễn đạt và miêu tả trực tiếp, người ta sử dụng biện pháp ẩn dụ để gợi mở ý nghĩa đã chiều và sâu sắc hơn. 

Phân loại biện pháp tu từ ẩn dụ

Có 4 kiểu ẩn dụ thường được sử dụng: 

– Ẩn dụ hình thức: được sử dụng với mục đích giấu đi một phần ý nghĩa của sự vật hoặc sự việc, hiện tượng mà từ đó biểu thị.

– Ẩn dụ cách thức: đây là phương thức chuyển nghĩa dựa trên sự giống nhau về cách thức thực hiện giữa hai sự việc.

– Ẩn dụ phẩm chất: ẩn dụ dựa trên nét tương đồng về phẩm chất, đặc điểm, đặc tính để thay thế sự vật, hiện tượng này bằng sự vật, hiện tượng khác.

– Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: sử dụng hình ảnh của sự vật, hiện tượng thông qua giác quan này. Nhưng khi miêu tả hay diễn đạt lại sẽ thông qua cách sử dụng từ ngữ để diễn tả giác quan khác.

Ví dụ minh họa về phép ẩn dụ

– “Về thăm nhà Bác làng sen

Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng.”

(trích từ: “Về thăm nhà bác” – Nguyễn Đức Mậu) 

Sử dụng  “thắp lên lửa hồng” với ý nghĩa “nở hoa đỏ rực”. (Ẩn dụ hình thức)

– Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

“Ăn quả” là hành động ý chỉ những người thừa hưởng thành quả về sau. “Kẻ trồng cây” ý chỉ những người làm ra thành quả cho thế hệ sau thừa hưởng. (Ẩn dụ cách thức)

–  “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

   Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”

(trích từ: “Viếng lăng Bác” – Viễn Phương) 

“Mặt trời” ở câu thơ thứ nhất là hình ảnh mặt trời thiên nhiên kì vĩ. “Mặt trời” ở câu thơ thứ 2 chính là ẩn dụ cho hình ảnh Bác Hồ. Mục đích sử dụng hình ảnh ẩn dụ này nhằm ca ngợi sự vĩ đại của Bác. (Ẩn dụ phẩm chất)

– Trời hôm nay nắng giòn tan. 

Tác giả sử dụng  “giòn tan” để diễn tả nắng. Từ đó thể hiện cái nắng chói chang, gay gắt, khiến mọi vật đều khô nhanh chóng. (Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác)

BIỆN PHÁP TU TỪ HOÁN DỤ

Định nghĩa về biện pháp tu từ hoán dụ

Hoán dụ là BPTT gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên của một sự vật, hiện tượng khác. Các sự vật, hiện tượng, khái niệm phải có quan hệ gần gũi với nhau. 

Phân loại hoán dụ

Có 4 kiểu hoán dụ thường gặp:

– Lấy một bộ phận để chỉ toàn thể

– Lấy vật chứa đựng chỉ vật bị chứa đựng

– Lấy dấu hiệu của sự vật để chỉ sự vật 

– Lấy cái cụ thể để chỉ các trừu tượng

Ví dụ minh họa về phép hoán dụ

–  “Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.”

(trích từ: “Bài ca vỡ đất” – Hoàng Trung Thông)

Hình ảnh “bàn tay” để chỉ những người lao động. (Lấy một bộ phận để chỉ toàn thể) 

– “Vì sao trái đất nặng ân tình

  Nhắc mãi tên người Hồ Chí Minh.”

                     (Tố Hữu)

Hình ảnh “trái đất” để tượng trưng cho nhân loại. Từ đó 2 câu thơ muốn thể hiện rằng, cả thế giới luôn ghi nhớ công ơn của Bác và dành tình cảm cao đẹp, thiêng liêng tới Người. (Lấy vật chứa đựng chỉ vật bị chứa đựng) 

– “Áo chàm đưa buổi phân ly

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

(trích từ: Việt Bắc – Tố Hữu) 

Hình ảnh “áo chàm” được sử dụng để hoán dụ cho hình ảnh người dân Việt Bắc. (Lấy dấu hiệu của sự vật để chỉ sự vật)

– “Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.” 

“Một” thể hiện sự đơn lẻ, tách biệt, một mình. “Ba” là số nhiều, thể hiện sự đoàn kết, chung sức. (Lấy cái cụ thể để chỉ cái trừu tượng) 

Các biện pháp tu từ sẽ giúp cho sự vật, sự việc, hiện tượng,…được diễn tả và hình dung một cách rõ ràng và sinh động hơn. Mỗi biện pháp sẽ có những tác dụng khác nhau. Vì vậy, các em cần phải phân biệt rõ để có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả. Chúc các em học tập thật tốt và ngày càng yêu môn tiếng Việt/Ngữ Văn!