Chuyện về hai nữ anh hùng liệt sĩ của tỉnh Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ

Admin

Thứ năm - 07/03/2024 16:07

Trong số những tấm gương nữ anh hùng liệt sĩ Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ, quê hương Hoài Nhơn và An Nhơn nổi lên hai tấm gương nữ anh hùng là Phạm Thị Đào và Trần Thị Kỷ với những lời tuyên bố đanh thép, kiên trung trước họng súng của kẻ thù. Tinh thần dũng cảm, bất khuất của các chị đã trở thành nguồn động lực cổ vũ đồng đội tiếp tục chiến đấu với kẻ thù xâm lược để bảo vệ quê hương, đất nước.

Chân dung anh hùng liệt sĩ Phạm Thị Đào
Chân dung anh hùng liệt sĩ Phạm Thị Đào

Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Định là địa bàn có huyết mạch giao thông quan trọng, quốc lộ 1 chạy qua và quốc lộ 19 lên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Do nằm ở vị trí chiến lược quan trọng nên Bình Định là một trong những chiến trường ác liệt của Khu 5, nơi thường xuyên diễn ra chiến sự quyết liệt giữa ta và địch. Mặc dù chiến tranh khốc liệt nhưng quân và dân Bình Định vẫn một lòng kiên trung, bất khuất đi theo tiếng gọi của Đảng và con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Trong cuộc chiến đầy cam go và khốc liệt đó, nhiều người con Bình Định đã ngã xuống, trong đó có những anh hùng, liệt sĩ là phụ nữ. Họ là những người mẹ, người chị, người em đã anh dũng hy sinh vì quê hương, đất nước. Trong số những tấm gương nữ anh hùng liệt sĩ Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ, quê hương Hoài Nhơn và An Nhơn nổi lên hai tấm gương nữ anh hùng là Phạm Thị Đào và Trần Thị Kỷ với những lời tuyên bố đanh thép, kiên trung trước họng súng của kẻ thù. Tinh thần dũng cảm, bất khuất của các chị đã trở thành nguồn động lực cổ vũ đồng đội tiếp tục chiến đấu với kẻ thù xâm lược để bảo vệ quê hương, đất nước.
Anh hùng liệt sĩ Phạm Thị Đào, sinh năm 1954, hy sinh năm 1970. Quê quán xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Phạm Thị Đào xung phong vào bộ đội lúc 14 tuổi. Từ năm 1967 đến năm 1970 đồng chí tham gia chiến đấu trong đội “Chim én”, đơn vị gồm các em thiếu niên làm nhiệm vụ theo dõi và diệt trừ ác ôn, tề điệp nguy hiểm ở địa phương.
Ngày 07/02/1970, đồng chí Phạm Thị Đào được giao nhiệm vụ diệt một tên ác ôn ở địa phương có nhiều nợ máu với nhân dân, đồng chí đã khôn khéo cải trang và tiêu diệt được tên ác ôn cùng tên lính bảo vệ. Tuy nhiên, ngay sau đó bọn địch đã phát hiện ra đồng chí, chúng bao vây, bắn bị thương và bắt đồng chí. Ngay khi bị bắt, chúng đã đánh đập dã man, đồng chí nói: “Tao là con của nhân dân, tao giết chúng mày vì chúng mày đàn áp nhân dân”. Dù địch dùng nhiều đòn tra tấn dã man nhưng đồng chí nhất quyết không khai báo, cuối cùng chúng đem xử bắn đồng chí, trước thời khắc hy sinh đồng chí hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm”, “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”, “Đả đảo đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai”.
Khí phách hiên ngang lẫm liệt trước lúc hy sinh của đồng chí Phạm Thị Đào đã cổ vũ mạnh mẽ đồng chí, đồng bào Hoài Nhơn nổi dậy diệt bọn tề điệp, phá đồn, trở về làng cũ làm ăn. Tinh thần kiên trung bất khuất trước kẻ thù của liệt sĩ Phạm Thị Đào là tấm gương giáo dục tư tưởng để thế hệ trẻ học tập và noi theo. Với những công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất. Ngày 06/11/1978, Liệt sĩ Phạm Thị Đào được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

chan dung anh hung liet si tran thi ky 1
Chân dung anh hùng liệt sĩ Trần Thị Kỷ

Anh hùng liệt sĩ Trần Thị Kỷ, sinh năm 1947, hy sinh năm 1966, quê quán xã Nhơn Mỹ, Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, đồng chí sớm nung nấu trong lòng ý chí căm thù giặc sâu sắc. Tháng 02/ 1963, đồng chí tham gia du kích xã, nhận nhiệm vụ chuyển thư từ liên lạc. Từ năm 1963 đến năm 1964, đồng chí chuyển thư từ, tài liệu của Huyện ủy đến nhiều nơi, góp phần giúp Huyện ủy diệt ác, phá kìm, chuẩn bị cho “đồng khởi” giải phóng quê hương.
Tháng 02/ 1965, đồng chí Trần Thị Kỷ  được đào tạo trở thành y tá và cùng đồng đội đánh thọc sâu vào khu đồn Gò Găng thuộc xã Nhơn Thành (nay là phường Nhơn Thành) diệt nhiều tên địch, đưa dân về làng cũ. Đồng chí cũng trực tiếp cứu chữa trên 200 thương, bệnh binh. Với chủ trương “đốt sạch, giết sạch” và thực hiện thủ đoạn “tát nước bắt cá”, lực lượng của ta gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Đồng chí Trần Thị Kỷ không ngại gian khổ hy sinh, đến với từng gia đình cơ sở cách mạng, vận động thuốc men, cơm gạo để phục vụ thương, bệnh binh.
Ngày 18/5/1966, đồng chí Trần Thị Kỷ bị bắt, để khủng bố tinh thần của nhân dân, địch tra tấn khai thác tại chỗ, với những thủ đoạn hết sức tàn bạo, dã man như đóng đinh vào 10 đầu ngón tay, xăm lưỡi lê vào người, trói hai chân vào cành cây mít, tóc buộc vào ngọn tre rồi dùng lửa đốt từng phần để buộc đồng chí khai chỗ giấu đồng đội của mình. Mặc dù bị hành hạ đau đớn nhưng đồng chí vẫn không chịu khuất phục, anh dũng hy sinh bản thân mình để bảo vệ đồng đội.
Ngày 19/5/1966, chúng treo ngược đồng chí Trần Thị Kỷ lên cây mít, tạt xăng vào người và thiêu sống. Trong ngọn lửa hồng bừng cháy thiêu đốt thân mình, đồng chí không hề rên xiết, kêu la. Ý chí quật cường bừng lên, Trần Thị Kỷ hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo Đế quốc Mỹ, đả đảo bọn tay sai bán nước, Hồ Chí Minh muôn năm” và đồng chí đã anh dũng hy sinh, khi vừa tròn 19 tuổi.
Với những thành tích trong chiến đấu, đồng chí được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba. Ngày 20/12/1994, đồng chí được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Để tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng, tinh thần chiến đấu quên mình vì độc lập dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tên của 2 chị đã được đặt cho tuyến đường ở thành phố Quy Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn, như là một sự nhắc nhở thế hệ trẻ nói chung và phụ nữ của tỉnh nhà về truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, phát huy tinh thần “phụ nữ kiên trung, bất khuất” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng.

Tác giả bài viết: Nguyễn Viết Tuấn (Bảo tàng tỉnh Bình Định)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập11
  • Hôm nay1,243
  • Tháng hiện tại53,391
  • Tổng lượt truy cập1,818,247